Những món ăn đặc sản nổi tiếng Hà Nam
Mỗi món ăn, dù là món thông thường hay đặc sản Hà Nam, đều mang đậm tình quê, hồn đất.
Nhắc đến đặc sản Hà Nam, không thể bỏ qua bánh cuốn Phủ Lý. Từng lớp bánh được tráng đầy đặn, nhân mộc nhĩ và hành phi giòn ruộm. Bên ngoài bánh lúc nào cũng bóng bẩy bởi lớp mỡ phủ, nhìn đã muốn ăn.
Chả nướng ăn kèm bánh mới thật công phu, không phải chả nướng hàng loạt trên vỉ mà làm từ thit ba chỉ thái mỏng ướp gia vị đầy đủ xiên que nướng trên than hồng nên mang vị đậm đà, ít ngán. Chả này sau đó được thả vào bát nước chấm pha chế theo bí quyết riêng cùng dưa góp.
Đi kèm theo đĩa bánh cuốn là rau thơm và rau sống như xà lách, kinh giới, rau mùi, giá đỗ, sung xanh, hoa chuối mỡ màng.
Bánh cuốn nóng làm ngay tại chỗ, chấm ngập trong bát mắm nóng nóng cắn ngập chân răng thấy beo béo của bột gạo quê, giòn giòn mộc nhĩ, thơm hành.
Người ăn vừa nhai chậm vừa nhón lấy cọng rau thơm, lá rau sống, thêm miếng chả và đu đủ nữa lại càng trọn vẹn vị bánh cuốn của riêng một vùng đất.
Chuối ngự Đại Hoàng
Chuối ngự của Hà Nam là loại chuối nhỏ nhưng có mã đẹp. Quả nào cũng căng tròn, khi chín vàng óng.
Người nào ham ăn có thể liền một lúc “chiến” hết nải là bình thường. Loại chuối đặc biệt vậy nên khi xưa được người dân làm vật phẩm tiến vua, cũng chính vậy nên có tên chuối ngự.
Chuối ngự – đặc sản Hà Nam – có hương vị rất ngon, ngọt mà không quá sắc, thơm thanh tao chứ không dậy chua.
Đến sau này, chuối ngự Đại Hoàng cũng không mất đi vị thế đã được khẳng định. Nó có tên trong top 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố lần thứ nhất năm 2012.
Cá kho niêu đất Vũ Đại
Những tưởng món cá kho nơi nào cũng giống nhau nhưng cá kho làng Vũ Đại lại nổi tiếng và có thương hiệu hơn hẳn. Thậm chí, người ta còn xuất khẩu món ăn dân giã này ra tận nước ngoài.
Cá kho làng này được cho vào trong niêu đất, chỉ thêm các gia vị cơ bản, thịt ba chỉ, nước mắm cua và lót riềng kho liên tục 10 – 12 giờ thôi nhưng cho ra món ngon cực hao cơm.
Đặc sản Hà Nam còn nổi tiếng với món cá kho niêu đất Vũ Đại
Cá kho khi thành phẩm có màu nâu sậm, thịt mềm nhưng còn nguyên khúc, xương cũng nhừ và mùi thơm lừng tỏa lan. Cá kho niêu đất ăn đậm đà vị quê, không hề tanh mà ngược lại, ngọt thịt bùi xương rất hòa hợp với nhau.
Quýt Lý Nhân
Quýt Lý Nhân quả dẹt, vỏ giòn, mỏng, khi chín màu vàng ươm. Quýt vùng này mọng nước bên trong và nhiều tinh dầu bên ngoài. Dùng tay bóc vỏ thấy mùi thanh mát tỏa ra dễ chịu.
Quýt Lý Nhân có múi đều, ít hạt, không ngọt đậm mà ngọt dịu, vị thanh.
Quýt Lý Nhân nổi tiếng khắp nơi không những trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới và cũng đã từng dùng làm đặc sản tiến vua khi xưa. Vì thế, qua Hà Nam mùa quýt, nên tranh thủ thưởng thức món ngon đặc biệt trong thiên hạ.
Mắm cáy Bình Lục
Mắm cáy chế biến từ những con cáy nhỏ được lột yếm, bóc trắng, giã nhuyễn, trộn muối rồi đem ủ kín trong vại. Vại mắm phải phơi đủ nắng để không hỏng, khi mắm thật ngấu mới đem dùng.
Mắm cáy Bình Lục thơm ngon. Chỉ ngửi qua mùi hăng hăng là thấy cả vùng trời nắng đồng ruộng sông hồ.
Mắm cáy múc ra, pha thêm ớt, tỏi chấm cùng rau luộc cứ thế ăn hoài không thấy chán!
Cái vị đậm đà, chân chất thấm qua môi lưỡi cùng vẻ khiêm nhường của rau xanh mát cho ra hương vị hài hòa không làm người ăn săn lưỡi vì mặn, cũng không nhạt nhẽo khiến ta nhanh quên.
Bánh đa Kiện Khê
Bánh đa Kiện nhiều vừng giòn tan và bùi thơm nhất tỉnh. Nhai lâu trong miệng, bánh đa để lại vị ngọt thanh giản của bột gạo tự nhiên.
Khác với bánh đa của nhiều địa phương trên cả nước, người dân còn tạo ra hương vị riêng cho bánh bằng cách kết hợp nó với những món sẵn có như chuối tiêu, cùi dừa.
Vị ngọt mềm của chuối chín trứng cuốc làm dịu cái khô giòn của bánh đa nhưng tăng độ ngọt quả là một sáng tạo đầy bất ngờ.
Trong khi đó, cùi dừa làm bánh đa đã bùi vừng nay còn béo và thơm lừng hơn nữa cũng là giải pháp đầy hương vị.
Rượu làng Vọc
Làng Vọc có nghề nấu rượu gạo truyền thống. Bao đời truyền nối, họ vẫn chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu: nấu bằng gạo ủ men ta – thứ men gồm 36 vị thuốc Bắc.
Dù tốn nhiều công và số lượng rượu làm ra không nhiều như các quy trình công nghiệp hơn nhưng đổi lại, rượu làng Vọc an toàn và tạo danh tiếng riêng.
Chỉ cần mở nắp chai rượu làng Vọc ra là ngửi thơm ngào ngạt hương gạo, vị đậm đà, ngọt mà không say, không đau đầu.
Bún Tái Kênh
Làng Tái Kênh ghi tên trong bản đồ ẩm thực bằng món bún dẻo dai nức tiếng. Bún Tái Kênh trắng, trong, săn sợi và không dùng chất bảo quản.
Bún Tái Kênh làm từ gạo khi nấu phải khô như Khang dân hay Ải.
Qua nhiều giai đoạn ngâm gạo, xay gạo, nhào nặn bột, luộc, giã theo bí truyền riêng của gia đình, dòng họ trong làng mà mới có thành quả là những lá bún, vắt bún ngon lành.
Bún Tái Kênh được người dân trong vùng và các khu lân cận rất ưa chuộng. Người ta hay bảo nhau, bún này ăn với mắm cũng thấy ngon là có lý do của nó.
Leave a Reply