Ấm lòng ngày lạnh bát cháo cá rô đồng
Nồi cháo chín phải vớt cá cho ra đĩa riêng, phải vừa thổi vừa ăn thì mới ngon.
Cá rô đồng có thịt béo, mềm, thơm, ngon; chúng thường sống ở các ruộng lúa, ao, mương, rãnh, hào, đầm, sông rạch. Vào mùa mưa, mực nước thay đổi cũng là lúc cá bắt đầu sinh sản. Nắm được đặc điểm sinh học này cho nên nhiều người dân quê tôi thường hay giăng lưới, thả câu để bắt cá.
Cá rô đồng chế biến nhiều món ăn dân dã mang đậm chất quê như: cá rô chiên xù, kho tộ, nấu chua lá me… nhưng ngon nhất và hấp dẫn nhất vẫn làm món cháo. Hễ hôm nào “đánh” được nhiều cá rô đồng là tôi nghĩ ngay đến món cháo cá. Dĩ nhiên cá rô đồng có đủ kích cỡ, nhưng khi nấu cháo phải chọn những con to cỡ bằng ba, bốn ngón tay vì như thế cá mới có thịt nhiều, ăn mới ngon. Ngon nhất vẫn là những con cá đang mang trứng, mập ú. Khi nấu cháo đừng cắt vụn, phải cho nguyên con vào trong nồi cháo, như thế sẽ tránh được xương cá lẫn lộn với cháo.
Cháo cá rô đồng – Ảnh: Ngô Mã Thiên
Để có được nồi cháo cá nguyên chất, khi chế biến cũng phải cất công. Đầu tiên, khi giăng lưới, thả câu bắt cá về làm sạch cả vây và ruột cá, ướp chút gia vị. Khi nồi cháo sôi, hạt gạo bắt đầu nở lúp búp, cho cá vào độ khoảng 5-7 phút thì nhắc nồi cháo xuống, nêm thêm gia vị như tiêu, bột ngọt… đừng quên cho vài cọng ngò.
Mỗi một món ngon nhất thiết phải có gia vị phù hợp. Vì vậy, nồi cháo thơm ngon hay không một phần là ở gia vị. Thịt cá, gia vị hòa quyện với cháo làm cho người thưởng thức có cảm giác vừa beo béo của thịt cá vừa thơm thơm của gia vị, của cây ngò đồng quê. Cái độc đáo nhất của con cá nấu cháo là nó béo, thơm, mềm đến lạ thường. Nồi cháo chín phải vớt cá cho ra đĩa riêng, khi ăn kết hợp với chén muối lá é, và phải vừa thổi vừa ăn thì mới ngon.
Dù ở nơi đâu, được ăn nhiều món ngon khắp chốn, nhưng mỗi khi nhắc đến các món ăn dân dã của đồng quê tôi lại cứ nhớ món cháo cá rô đồng…
Leave a Reply