Lý do mà thịt vịt lại được ưa chuộng vào mùa hè
Mùa hè rất nên ăn thịt vịt để có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm và có tác dụng chữa được nhiều bệnh.
Vịt là gia cầm quen thuộc với mọi người và giàu dinh dưỡng, dễ chế biến thành các món ăn ngon. Về dinh dưỡng, trong 100 g thịt vịt có khoảng 25 g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng), chưa kể hàm lượng canxi, phosphor, sắt, vitamin… cũng rất cao.
Tuệ Tĩnh đã viết trong Nam dược thần hiệu rằng gia áp (vịt) bổ hư, ích tạng, trị kinh phong trẻ con, giải độc, trị lở sưng và lỵ nhiệt. Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi nhận trong Linh nam bản thảo rằng vịt có sắc vàng trắng thì bổ trung ích khí rất tốt, non mà sắc đen thì độc; vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện; vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc nói chung dùng thịt vịt mái già.
Mùa hè rất nên ăn thịt vịt để có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm và có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Sau đây là một số món ăn, bài thuốc quý và dễ làm từ thịt vịt:
– Dùng cho người viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 g tỏi đã bóc vỏ, may lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 – 3 ngày ăn một lần.
– Dùng cho người thiếu máu: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 g, đậu phộng 100 g, vỏ bí đao 30 g, nấu thành canh để ăn.
– Dùng cho người hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 g băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 g ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào nấu chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn 3 lần, ăn nóng.
– Dùng cho người huyết áp cao, đau đầu chóng mặt, mất ngủ: Thịt vịt 100 g nấu 30 phút; giá đỗ trọng 30 g, nấm mèo trắng 30 g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, nấm mèo, nước canh, bỏ đỗ trọng.
– Dùng cho người viêm phế quản mãn, khạc ra máu, ho lao: Vịt mái già một con, bách hợp tươi 300 g. Vịt mổ bụng bỏ lòng, cho bách hợp vào bụng, rưới 2 muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thủy cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp.
– Dùng cho người trúng phong bán thân bất toại: Thịt vịt 100 g làm sạch, chặt miếng, nấu 60 phút cùng 50 g đan sâm bỏ vào túi hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước, cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia 2 lần ăn sáng, chiều.
– Dùng cho người tiểu đường: Vịt mái già một con khoảng 1,5 kg; ngọc trúc 50 g, mạch môn đông 50 g, rượu vang 30 g. Tất cả cho vào túi vải buộc miệng, ngâm nước lạnh 3 phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại, đặt vào chén to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra, vắt lấy nước.
Leave a Reply