Công thức làm sữa chua ngon nhất
Sữa chua là loại thực phẩm có rất nhiều lợi ích cả về sức khỏe lẫn làm đẹp. Sữa chua không hề khó làm, tuy nhiên để làm sữa chua ngon mịn thì cũng cần một vài bí quyết mà không phải ai cũng biết
Sữa chua không chỉ có tác dụng cho việc làm đẹp của phụ nữ mà nó còn giúp cho quá trình tiêu hoá được dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt đối với nhừng người có tiền sử về bệnh đường ruột, trẻ nhỏ biếng ăn. Ăn sữa chua trong mùa hè lại càng trở thành sở thích của nhiều người bởi có thể giúp cơ thể cảm thấy mát lạnh.
Tuy nhiên, để làm sữa chua ngon thì cũng cần có những bí quyết nhất định. Nhất là cách làm sữa chua theo phương pháp truyền thống để tạo ra món sữa chua thơm ngon, mịn và hợp với khẩu vị của tất cả các thành viên trong gia đình. Sau đây là bí quyết giúp bạn có thể thực hiện được món sữa chua ngon đó.
Nguyên liệu:
– 1 lít sữa tươi
– ½ lon sữa đặc có đường (160g)
– 60-80g sữa chua (để làm men cái) (1 hũ)
– Tí xíu muối
– ½ muỗng café vani dạng lỏng (nếu thích mùi vani)
Cách làm:
Bước 1: Hòa sữa đặc với sữa tươi, muối. Nếu muốn ngọt hơn có thể thêm 2 muỗng canh đường hoặc tăng lượng sữa đặc. Bước này nếm thử cho vừa khẩu vị nhà mình nhé. Đun nóng sữa đến khoảng 37-40 độ C (nếu không có nhiệt kế thì thử thấy ấm như nước tắm em bé).
Bước 2: Cho sữa chua cái vào khuấy đều cho sữa chua cái hòa cùng sữa. Nếu thích sữa chua thơm mùi vani thì lúc này cho thêm ½ muỗng café vani dạng lỏng vào, khuấy đều. Nếu thích mùi tự nhiên của sữa thì không thêm vani. Rót sữa vào hũ hay ly.
Bước 3: Ủ sữa chua: Sữa chua muốn lên men được thì cần phải giữ sữa có độ ấm để men hoạt động. Sữa nóng quá gây “chết” men, nguội quá thì men không phát triển được. Do vậy các cách ủ sửa đều nhằm mục đích duy trì nhiệt độ cần thiết để men hoạt động.
Bước 4:Xếp các hũ sữa chua vào vật chứa. Vật chứa (giúp giữ nhiệt tốt) có thể là thùng xốp, hoặc nồi cơm điện (không mở lửa nhé), nồi ủ, nồi kim loại bình thường hoặc thậm chí là thau nhựa…
Bước 5: Chế nước ấm (khoảng 50 độ C) vào vật chứa sao cho ngập độ ½ hũ sữa chua. Đậy kín vật chứa lại, để 6-8 giờ hoặc qua đêm (nếu làm buổi tối). Đối với vật chứa là nồi kim loại hoặc thau nhựa, cần thăm chừng nếu nước nguội bớt thì châm thêm nước nóng để nước ủ luôn đạt độ ấm cần thiết cho men hoạt động. Lưu ý là chế nước nhẹ nhàng tránh sữa chua bị “long chân”.
Bước 6: Nếu nhà mình có lò nướng thì ủ bằng lò nướng rất tiện lợi như sau: mở nhiệt độ lò 100 độ C chừng 5 phút (giúp lò ấm, tạo môi trường ấm) rồi tắt bếp. Đặt khay đựng hũ sữa chua (đã rót nước ấm ngập ½ hũ) vào. Đóng kín lò, ủ 6-8 giờ hoặc qua đêm là được. Với cách làm này không cần canh nước để châm thêm nước nóng.
Mình thấy cách ủ bằng lò nướng như thế này rất tiện lợi nên nhà mình thường làm cách này và thường làm buổi tối, ủ qua đêm, sáng ra cho vào tủ lạnh là vừa.
Sữa sau khi ủ đủ thời gian sẽ đặc lại (dù mình đặt nghiêng hũ, sữa chua vẫn không bong khỏi hũ), mịn màng, độ chua vừa phải.
Độ chua của sữa tùy thuộc độ chua của sữa chua cái và thời gian ủ. Nếu mới ủ xong ăn thử thấy chưa chua như ý thì lần sau tăng thêm ít sữa chua cái hoặc ủ lâu hơn một tí. Cho sữa chua vào tủ lạnh, dùng dần.
Sữa chua tuy cho vào tủ lạnh nhưng để càng lâu thì sữa sẽ chua thêm, do đó nên dùng hết sớm khi thấy sữa chua vừa ý.
Sữa chua có thể trộn với trái cây thành món đồ uống thơm ngon, bổ dưỡng
Leave a Reply