Làm gì khi bị loét miệng
Loét miệng là một căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các trường hợp loét miệng là không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền phức cho người bệnh.
Một trong những sự phiền toái đó là khi ăn, uống rất khó khăn do đau, rát và mệt mỏi nhất là ở người cao tuổi và trẻ em.
Một số nguyên nhân
Theo quan điểm của Đông y thì loét miệng là do nhiệt có nghĩa là cơ thể bị nóng và phát ra nhiệt gây loét niêm mạc miệng.
Về Tây y, người ta cho rằng loét miệng có thể còn do virút Herpes hoặc đôi khi còn do virút thủy đậu. Virút Herpes gây loét niêm mạc miệng, lưỡi thường chỉ có một vài vết loét nhưng rất đau và rát gây khó khăn nhiều cho việc nhai thức ăn, thậm chí rất dễ gây cắn phải lưỡi. Trong bệnh loét miệng do virút Herpes ngoài các triệu chứng như mệt mỏi, đau, rát cũng có thể có sốt nhẹ. Người ta cũng thấy có thể loét niêm mạc miệng do virút thủy đậu gây ra. Virút thủy đậu ngoài gây các nốt phỏng ở da cũng có thể gây các nốt phỏng ở niêm mạc, ngay cả niêm mạc miệng, gây đau, rát, chảy nước miếng giống như loét miệng do nhiệt.
Người loét miệng nên uống thêm nước luộc rau, nước ép hoa quả…
Đối với trẻ em ngoài loét miệng do các nguyên nhân vừa nêu trên thì trong bệnh tay, chân, miệng cũng có có vết loét ở niêm mạc miệng. Trong bệnh tay chân miệng ban đầu thường có sốt hoặc sốt nhẹ như trong bệnh thủy đậu, sưng miệng nổi bọng nước. Bọng nước của bệnh tay chân miệng thường có kích thước khoảng từ 2 – 3mm hoặc bằng đầu đũa, màu đỏ hoặc xám hình bầu dục. Những vết loét to như thế này nếu xuất hiện ở miệng thì càng gây đau và rát. Ngoài các nốt phỏng ở miệng và toàn thân, lòng bàn tay, lòng bàn chân thì thường có nôn, tiêu chảy mà trong loét miệng do nhiệt hay do virút Herpes ít khi gặp. Ở một số trường hợp do thiếu chất hoặc do hấp thu kém, nhất là người cao tuổi và trẻ em, sẽ gây nên thiếu một số chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, acid folic, chất sắt cũng có thể gây loét miệng…
Loét miệng cũng có thể do chấn thương làm viêm, dập niêm mạc miệng. Loét miệng cũng có thể do ăn thức ăn, nước uống nóng quá gây bỏng. Ngoài ra, một số người bị rối loạn chức năng miễn dịch làm suy giảm miễn dịch như trong bệnh AIDS hoặc gặp stress liên tục cũng có thể bị loét miệng.
Nên làm gì khi bị loét miệng?
Loét miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau, có loại có thể có và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi bị loét miệng nên đi khám bệnh, nhất là người cao tuổi và trẻ em để bác sĩ xác định nguyên nhân trên cơ sở đó có hướng điều trị hữu hiệu hơn. Loét miệng gây đau, rát cho nên dùng thuốc giảm đau là rất cần thiết nhưng dùng loại gì là công việc của bác sĩ khám bệnh cho người bệnh. Người bệnh hoặc người nhà người bệnh không nên tự mua thuốc để dùng.
Có một số biện pháp có thể giúp cho người bị loét miệng giảm đau, rát và bệnh chóng khỏi hơn. Trong những ngày bị bệnh loét miệng nên ăn thức ăn lỏng, không nóng, không cay, không chua và hợp với khẩu vị của từng người là tốt nhất, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Cả người lớn và trẻ em nên ăn làm nhiều lần trong ngày vì mỗi lần ăn rất rát và đau nên chỉ ăn được ít một, nếu ăn không đủ lượng và chất thì ảnh hưởng đến dinh dưỡng của người bệnh. Ngoài ra có thể dùng mật ong rơ miệng hoặc chấm vào các nốt loét, ngày nên tiến hành 3 – 4 lần để tránh các tác động kích thích vào vết loét gây đau, rát, có khi gây chảy máu. Người bị loét miệng nên uống thêm nước luộc rau, nước ép hoa quả tươi (cam, chanh, xoài…), uống thêm sữa, nước nghiền (xay) từ củ cà rốt…
Phòng bệnh như thế nào?
Đối với các trường hợp loét miệng do nhiệt, do thiếu dinh dưỡng, do rối loạn hệ thống miễn dịch… thì cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em. Hàng ngày nên vệ sinh răng, miệng như đánh răng và súc họng bằng nước muối sinh lý. Trong chế độ ăn cần có đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm rau và hoa quả chín, tươi. Đối với trẻ em chưa tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh thủy đậu thì nên được tiêm phòng.
Leave a Reply