Những loại quả chua dân dã nhưng đã gieo “thương nhớ” cho biết bao thế hệ
Dù có bao nhiêu cao lương, mĩ vị, dù có bao nhiêu món ăn vặt mới mẻ ra đời thì những loại quả chua dân dã như sấu, mận, cóc, chùm ruột vẫn có vị trí riêng không thể thay thế.
Trong số hàng vạn món ăn đặc sắc, của ngon, vật lạ, những thứ quả chua như nhót, me, cóc có vẻ vô cùng bình dân và chẳng có “cửa” để được xếp vào hàng đặc sản. Nhưng thực tế những thứ quả dung dị ấy lại là thứ khiến quà vô cùng được ưa thích, chỉ nhìn thôi cũng khiến người ta phải thèm thuồng ước ao. Bên cạnh trái xoài ưa vốn được ưa chuộng, thông dụng ở khắp nơi, mỗi vùng miền lại có những quả chua ngon lành, đặc trưng riêng
Nhót
Đây là loại quả chua vô cùng quen thuộc với người miền Bắc, thường xuất hiện vào thời điểm cuối xuân, đầu hè. Cái thú của nhót là ăn được từ khi còn non tới khi đã chín, có điều, nhót xanh vốn vừa chát, vừa chua gắt nên muốn ăn, người ta phải kèm với lá bắp cải, ít lá tỏi ta, nếu thích có thể thêm ít mùi, gừng, ớt rồi gói lại thành miếng vừa ăn, chấm đẫm chẩm chéo rồi thưởng thức. Đây vốn là kiểu ăn của Tây Bắc nhưng một vài năm gần đây rất được ưa chuộng ở miền xuôi. Vị, chua, chát, giòn, mát, cay cay của các nguyên liệu khiến bạn thật khó dừng miệng.
Nếu nhót xanh cuộn bắp cải chấm chấm chéo không phải ai cũng ăn được thì nhót chín lại là câu chuyện khác. Những quả nhót đỏ au với lớp phấn trắng bao ngoài chỉ nhìn thôi đã khiến người ta tứa nước miếng vì thèm. Nhót chín không còn cua gắt mà đã thêm vị ngọt, thịt quả dày, căng mọng. Khi ăn mài nhẹ cho phấn nhót bay rồi chấm muối ớt, tận hưởng vị chua, ngọt, cay, mặn tan ra trong khoang miệng thì quả chẳng có gì bằng.
Mận
Nói đến quả chua chỉ nghĩ đến đã ứa nước miếng tất nhiên không thể bỏ qua mận, mà đặc biệt nhất là mận hậu. Dám khẳng định rằng, đã chẳng biết thì thôi chứ ai đã một lần nếm thứ quả chua này đều khó lòng mà quên được.
Mận hậu chuẩn có quả to như nắm tay trẻ con, đỏ au, khi cắn vừa giòn, vừa mọng nước lại có vị chua ngọt bùng nổ trong khoang miệng. Vị ngon của mận hậu khiến người ta thể ăn mãi không biết chán, dẫu rằng chỉ cần chút muối ớt cũng là quá đủ.
Sấu
“Tên là sấu mà lắm người mê”, có người đã từng nói thế về thứ quả chua này. Sấu là thứ quả mang hương mùa hè, riêng có của miền Bắc. Giống như nhót, sấu được ưa thích từ lúc là trái non đến khi trái chín.
Trái non đến khi quả già thì mang dầm nước chua, cắt miếng dầm muối ớt, mắm ớt. Sấu chua lắm nên khi vừa ăn vừa phải nhăn mặt, nhưng chẳng hiểu vì lẽ gì mà các cô, các chị lại “chịu” món này lắm. Miệng thì kêu chua, không ăn nữa, mà cứ có túi sấu trước mặt thì bao nhiêu cũng hết.
Đến khi sấu chín thì lại càng thi vị hơn nữa, dăm quả sấu chín như gói cả mùa thu. Những quả sấu nhỏ xinh, vàng rộm, chua chua, ngòn ngọt nạo sạch vỏ, xoắn trôn ốc không chỉ là món ngon mà còn khiến người ta phải tương tư, nhung nhớ.
Cóc
Nếu miền Bắc có nhót, sấu, mận thì miền Nam cũng có rất nhiều quả chua hấp dẫn, dễ gây ghiền. Có thể xem cóc như là loại quả chua tiểu biểu ở miền Nam. Quả cóc hay ở chỗ dù ăn xanh hay chín hay thậm chí cóc bao tử (cóc non) đều ngon, mà dù dầm muối ớt, xí muội hay đem ngâm cũng đều hấp dẫn cả.
Cứ vào mùa cóc, những xe cóc lại tỏa đi khắp thành phố. Người hảo chua sẽ thích cóc xanh dù rằng vị cóc khi ấy chua gắt, dễ “ghê” răng, nhưng chẳng vì thế mà người ăn không vừa ăn, vừa khen nức nở. Dễ ăn hơn cả là khi cóc chín, vị chua đi với vị ngọt, ăn được nhiều lại có mùi thơm rất đặc trưng. Có thể nói, cóc chính là loại quả chua không thể thiếu của người dân miền Nam.
Me
Sài Gòn được gọi là thành phố là me bay, nhưng chẳng riêng Sài Gòn, rất nhiều vùng miền ở miền Nam đều có hàng me vừa đẹp, vừa sai quả. Và tất nhiên me không chỉ cho bóng mát mà còn là thứ quả chua tuyệt vời để ăn vặt.
Nhưng vì me vốn siêu chua nên để làm quà vặt, người ta cần biến tấu nó đi bằng cách cách ngâm, trộn muối đường, làm me sấy. Cũng may trái me dễ tính nên tất cả phiên bản ấy đều được ưa thích và trở thành một phần không thể tách rời của ẩm thực Sài Gòn.
Chùm ruột
Ở miền Nam, chùm ruột chẳng những là loại trái vô cùng phổ biến mà còn là thứ quả gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Chùm ruột mọc thành chùm, quả nhỏ. Loại quả này có vị chua, chát nhưng chính cái vị ấy lại khiến nhiều người mê tít, nhớ hoài.
Tuy chua, chát nhưng chùm ruột lại rất dễ chế biến. Người ta rim chùm ruột với đường hay dầm thêm với muối ớt hoặc làm mứt chùm ruột để tạo thành món quà ăn vặt có đủ vị chua, cay mặn, ngọt không ai có thể chối từ. Ngoài ra chùm ruột còn có thể dùng để nấu canh, ngâm rượu. Điểm qua như thế mới biết vì sao thứ quả chua này lại khiến người ta nhớ thương đến thế!
Cà na
Trái cà na được xem là đặc sản, là người bạn gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ của người miền Tây. Tuy vậy muốn ăn cà na phải chờ vào khoảng thoáng 8, 9, thời điểm này cũng là mùa nước lũ dâng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Loại quả này có vị chua, chát nhưng đã ăn rất dễ ghiền. Trái cà na có thể ăn sống khi vừa hái, chấm với muối ớt hay ngon hơn là với nước mắm đường, trái cà na ăn sống thường có vị chát để lại ở đầu lưỡi. Cách ăn cà na đơn giản nhất là cà na đập ăn với bịch muối ớt hột.
Leave a Reply