Thực đơn mứt Tết thêm phong phú với mứt dâu tây
Món ăn bổ dưỡng mà lại vô cùng hấp dẫn, hãy cùng học làm món mứt dâu tây để tặng quà tết thay cho nhưng lời yêu thuong đến với gia đình mình nào.
Một vài năm gần đây, cứ vào những ngày đầu đông chớm lạnh, Hà Nội lại thấp thoáng ánh đỏ của những chiếc xe bán dạo chở đầy dâu tây chín mọng. Thế nhưng mùa dâu tây rất ngắn, thứ hoa quả ngon lành, thơm ngọt này chỉ xuất hiện ào ạt trong vòng từ 7 đến 10 ngày rồi sẽ bỗng dưng “biến mất”.
Mứt dâu tây – một gợi ý ngọt ngào sẽ dành tặng để bạn có thể lưu giữ thứ quả bổ dưỡng này trong suốt mùa đông lạnh giá.
Nguyên liệu làm mứt dâu tây
Dâu tây tươi: 1kg
Đường cát trắng: 0,6-1kg
Một chút lưu ý nhỏ: Khi chọn mua dâu tây, các bạn nhớ chọn những quả dâu chín mọng, đều, căng, không dập nát, còn nguyên cuống xanh. Chọn được những quả dâu như vậy, lọ mứt của bạn sẽ giữ được lâu, quả dâu sau khi thành mứt sẽ còn nguyên hình, mứt thơm dẻo.
Cách làm mứt dâu tây
Làm mứt dâu tây không cầu kỳ và khá đơn giản, tuy nhiên đòi hỏi nơi bạn sự nhẹ nhàng, chút kiên nhẫn và chút thời gian.
Bước 1 – Rửa dâu
Đây là công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận và chút tỉ mẩn. Dâu tây rất dễ nát vì vậy bạn không thể rửa thứ quả mọng đỏ này một cách vội vàng.
Trước tiên, ngâm dâu tây vào chậu nước trong vòng từ 5-10 phút. Sau đó cẩn thận rửa nhẹ từng quả dưới vòi nước chảy khẽ.
Rửa xong, bạn tiếp tục ngâm chúng trong chậu nước muối pha loãng từ 10-15 phút.
Vớt ra, để ráo, bỏ cuống xanh, và tráng qua dâu tây đã bỏ cuống bằng một lượt nước sôi. Để ráo, cho dâu vào bát.
Bước 2 – Ngào đường
Cho dâu vào bát to, đổ đường cát trắng vào theo tỉ lệ: cứ 1 kg dâu ngào với từ 600gr đến 1kg đường (tùy theo khẩu vị của bạn muốn mứt có vị chua nhẹ hay ngọt đậm).
Xóc đều dâu với đường. Để dễ trộn đều, bạn nên trải 1 lớp dâu – 1 lớp đường. Chú ý không được dùng bất cứ loại vật dụng nào (như thìa, đũa hay nĩa…) để trộn hỗn hợp đường – dâu, bởi làm vậy dâu tây sẽ bị nát.
Để hỗn hợp này ở nơi thoáng mát trong vòng từ 4-5 tiếng (nếu có thể, tốt nhất bạn nên bắt đầu ngào đường vào tối và để hỗn hợp này qua 1 đêm) cho tới khi nước trong quả dâu và đường tan chảy, hòa quyện vào với nhau.
Bước 3 – Nấu mứt
Sau khi hoàn thiện công đoạn 2, bạn đổ hỗn hợp vào nồi. Tuyệt vời nhất nếu mứt dâu được đun trong nồi có đáy 2-3 lớp hoặc nồi thủy tinh.
Đặt nồi hỗn hợp lên bếp, vặn lửa ở mức vừa. Lưu ý: hỗn hợp sôi rất nhanh và mau cạn nên đòi hỏi bạn phải luôn có mặt khi đun mứt. Khi hỗn hợp bắt đầu sôi, bạn nhớ hạ ngay lửa xuống mức nhỏ nhất, chỉ để liu riu.
Thỉnh thoảng dùng tay lắc nồi để cho những quả dâu được xoay đều, ngấm đều. Chú ý không được đậy nắp nồi và cũng không được dùng bất cứ vật dụng nào để quấy.
Đun hỗn hợp với lửa liu riu trong vòng 5-8 phút, sau đó tắt bếp, bắc nồi và để nguội hỗn hợp.
Sau khoảng 4-5 tiếng để nguội hỗn hợp, bạn lại tiếp tục bắc bếp và lặp lại công đoạn: đun sôi – để lửa liu riu trong vòng 5-8 phút, rồi lại để nguội.
Cứ lặp lại công đoạn đun-để nguội như vậy khoảng 4-6 lần, cho tới khi bạn thấy hỗn hợp đặc sánh lại. Lúc đó, món mứt của bạn đã được hoàn thành.
Quá trình đun mứt có vẻ cầu kỳ và đòi hỏi thời gian, tuy nhiên, kết quả thu được chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Món mứt này rất dễ dùng, bạn có thể ăn mứt không, hoặc phết mứt lên bánh quy giòn, bánh mỳ bơ hay uống cùng cốc trà đen nóng để xua tan giá lạnh ngày đông.
Chúc các bạn có một mùa đông ngọt ấm.
Dâu tây có chứa một hàm lượng vitamin C và đường fructose rất cao, trong đó hàm lượng chất khoáng như K, Na, Fe… cũng rất phong phú, vì vậy ăn dâu tây giúp thúc đẩy chuyển hóa các chất trong cơ thể, làm máu huyết lưu thông, đồng thời có tác dụng trấn an tinh thần.
Theo đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, công hiệu bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc. Dùng chữa các chứng như ho do phổi nóng, cổ họng sưng đau, chán ăn, tiểu ngắn, tiểu gắt, thiếu máu suy nhược, ung nhọt, say rượu…
Hãy học cách làm món mứt dâu tây để bổ sung vào thực đơn mứt tết làm cho món ăn ngày tết càng trở nên phong phú bạn nhé!
Nguồn: phununet
Leave a Reply